Hình ảnh

Kiếp nạn 5: Khốn khổ vì cầu thang đẹp, đúng phong thủy

Gia chủ ở TP.HCM quyết sửa cầu thang theo cách đếm “sinh, lão, bệnh, tử” để bậc cuối cùng rơi vào chữ “sinh”. Tuy nhiên, việc thêm bậc thang tùy tiện lại khiến anh hụt chân dẫn tới chấn thương.

Hồng Thanh

28/07/2024

14 phút đọc

Bài viết thuộc series “81 kiếp nạn khi làm nhà”

Series chia sẻ vô vàn tình huống dở khóc dở cười khi đứng trước "bài toán" làm nhà và những tháo gỡ chi tiết từ chuyên gia. Khám phá

Gia chủ ở TP.HCM quyết sửa cầu thang theo cách đếm “sinh, lão, bệnh, tử” để bậc cuối cùng rơi vào chữ “sinh”. Tuy nhiên, việc thêm bậc thang tùy tiện lại khiến anh hụt chân dẫn tới chấn thương.

Trong kiến trúc, cầu thang được ví như “xương sống” của ngôi nhà, giúp lưu thông giữa các tầng, kết nối không gian. Theo phong thủy, đây là khu vực dẫn lối cho không khí, ánh sáng lan tỏa trong nhà. Việc thiết kế cầu thang sao cho vừa kiên cố, đi lại thuận tiện, đẹp mắt đồng thời đáp ứng niềm tin phong thủy của các gia chủ không phải điều dễ dàng.

Cầu thang cần đảm bảo an toàn, thuận tiện khi đi lại đồng thời có tính thẩm mỹ giúp ngôi nhà đẹp hơn
Dezeen

Đứt dây chằng vì cố làm cầu thang hợp phong thủy

Không ít người Việt khi làm nhà sẽ áp dụng cách đếm bậc thang “sinh, lão, bệnh, tử”. Theo đó, số bậc khi chia cho 4 sẽ dư 1 để bậc cuối cùng rơi đúng vào chữ “sinh”, tránh phạm phải “lão, bệnh, tử”. Bởi vậy, số bậc đẹp nhất là 17, 21, 25.

Trong nhiều năm làm nghề, kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền từng tiếp xúc một số gia chủ quá coi trọng phong thủy trong làm cầu thang dẫn tới hậu quả đáng tiếc trong sinh hoạt hằng ngày. 

Trong đó có trường hợp của gia đình ở Thủ Đức (TP HCM). Khi phát hiện số bậc thang không chốt đúng ở cung “sinh”, gia chủ đã thuê thợ chia lại số bậc. Sau đó, các bậc đều cao 17cm nhưng hai bậc dưới cùng chỉ còn 8,5cm. Trong một lần lơ đãng, khi bước xuống bậc cuối, khách bị hụt, khuỵu chân, đứt dây chằng. 

Sau tai nạn, khách hàng đành bỏ qua niềm tin phong thủy thái quá của mình để sửa lại bậc thang như thiết kế ban đầu. 

Gia chủ không nên chạy theo một số quan điểm phong thủy thiếu khoa học thay đổi kích thước bậc, độ dốc cầu thang gây nguy hiểm
Pinterest

Kiến trúc sư Truyền cho rằng, khoa học phong thủy nhằm giúp cuộc sống của con người trở nên thuận tiện, hài hòa hơn với môi trường xung quanh. 

“Không phải ai cũng tin vào quan niệm ‘sinh, lão, bệnh, tử’ khi làm cầu thang. Một chủ nhà tôi quen đếm số bậc theo bốn chữ ‘giàu, sang, phú, quý’, bậc cuối rơi vào chữ nào cũng tốt. Theo ý kiến cá nhân, tôi nghĩ nên làm số bậc lẻ. Khi bắt đầu lên cầu thang, bạn bước chân thuận trước; khi kết thúc, bạn bước chân thuận sau cùng. Đi theo quán tính sẽ giúp việc di chuyển thoải mái hơn”, kiến trúc sư Truyền chia sẻ. 

Một số người nghiên cứu về phong thủy cũng không nhất trí với cách đếm bậc “sinh, lão, bệnh, tử”. Chuyên gia Phùng Phương giải thích: “Nhiều người quan niệm số bậc thang cần phải chia 4 dư 1 để bậc cuối vào cung ‘sinh’, tránh phạm phải ‘lão, bệnh, tử’. Nhưng đây là một quan niệm không có ý nghĩa gì trong phong thủy. Theo phong thủy chính phái, âm là chẵn, dương là lẻ. Con người sống thuộc về dương. Vì vậy, số bậc cầu thang chỉ cần lẻ là được”. 

Kiến trúc sư Truyền cho rằng, khoa học phong thủy nhằm giúp cuộc sống của con người trở nên thuận tiện, hài hòa hơn với môi trường xung quanh. 

“Không phải ai cũng tin vào quan niệm ‘sinh, lão, bệnh, tử’ khi làm cầu thang. Một chủ nhà tôi quen đếm số bậc theo bốn chữ ‘giàu, sang, phú, quý’, bậc cuối rơi vào chữ nào cũng tốt. Theo ý kiến cá nhân, tôi nghĩ nên làm số bậc lẻ. Khi bắt đầu lên cầu thang, bạn bước chân thuận trước; khi kết thúc, bạn bước chân thuận sau cùng. Đi theo quán tính sẽ giúp việc di chuyển thoải mái hơn”, kiến trúc sư Truyền chia sẻ. 

Một số người nghiên cứu về phong thủy cũng không nhất trí với cách đếm bậc “sinh, lão, bệnh, tử”. Chuyên gia Phùng Phương giải thích: “Nhiều người quan niệm số bậc thang cần phải chia 4 dư 1 để bậc cuối vào cung ‘sinh’, tránh phạm phải ‘lão, bệnh, tử’. Nhưng đây là một quan niệm không có ý nghĩa gì trong phong thủy. Theo phong thủy chính phái, âm là chẵn, dương là lẻ. Con người sống thuộc về dương. Vì vậy, số bậc cầu thang chỉ cần lẻ là được”. 

Những kiến thức phong thủy có tính khoa học

Phong thủy (gió – nước) là học thuyết chuyên nghiên cứu sự ảnh hưởng của hướng gió, hướng khí, mạch nước đến đời sống của con người. Nguyên sơ của phong thủy là những kinh nghiệm chọn nơi cư trú an toàn có núi non bao bọc để chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên, thú dữ; gần sông ngòi, nguồn nước tiện cho sinh hoạt. 

Trên thực tế, nhiều cấm kỵ trong phong thủy bao gồm cả lĩnh vực thiết kế nhà ở phổ biến hiện nay cũng có tính khoa học, đem lại sự thuận tiện cho đời sống hàng ngày.

Cầu thang xoắn ốc đẹp mắt nhưng khiến việc đi lại bất tiện
Pinterest

Chẳng hạn, một số gia chủ đặt hàng thiết kế cầu thang xoắn ốc. Đây là điều không nên áp dụng trong thiết kế nhà. Chuyên gia phong thủy Phạm Phương giải thích trên trang cá nhân của mình: “Cầu thang xoắn ốc thường không đòi hỏi diện tích nhưng trông như một mũi khoan giữa căn nhà. Đây là một dạng cầu thang bất lợi về trường khí cho nơi ở”. 

Các kiến trúc sư cũng không ủng hộ kiểu thang này. Theo kiến trúc sư Truyền, mọi người chỉ nên làm cầu thang xoắn một tầng (từ tầng một lên tầng hai). Bởi với kết cấu xoắn ốc, các bậc có tỉ lệ không đều, hướng đi thay đổi liên tục gây khó khăn cho việc lên xuống, đặc biệt với phụ nữ có thai, trẻ em hay người lớn tuổi, dễ gây ra cảm giác hoa mắt, chóng mặt. “Nếu làm một lèo thang xoắn ốc nhiều tầng, lên tới nơi người cũng sẽ xoắn theo mất”, kiến trúc sư Truyền hài hước. 

Khu vực dưới cầu thang có nguy cơ tích tụ bụi bặm, vi khuẩn phát tán từ trên xuống
Pinterest

Một điều cấm kỵ khác với cầu thang là không bố trí sinh hoạt dưới gầm cầu thang. “Diện tích nhà ống rất hạn hẹp nên nhiều người tận dụng gầm cầu thang để bố trí phòng bếp, phòng làm việc, thường thấy nhất là phòng vệ sinh. Các thiết kế như vậy đều không tốt về mặt phong thủy”, chuyên gia phong thủy Phạm Phương khuyến cáo. 

“Đặt bếp dưới chân cầu thang sẽ khiến bụi bặm, vi khuẩn phát tán từ trên xuống dưới không tốt cho sức khỏe gia chủ. Nước trong nhà vệ sinh là ‘thủy uế’. Cầu thang dẫn khí từ nhà vệ sinh lên sẽ khiến trường khí rất xấu”, chuyên gia giải thích. 

Ngoài ra, các gia chủ không nên bố trí tiểu cảnh nước, bán cạn ở chân cầu thang. Đây là khu vực thiếu sáng, để tiểu cảnh nước sẽ khiến không khí bị tù đọng, uế khí phát tán lên không gian trên cao. Điều này cũng hợp lý với thực tế cuộc sống bởi  các hồ cá, tiểu cảnh non bộ dưới chân cầu thang thường ít được chăm sóc, ẩm ướt, tạo điều kiện cho muỗi phát triển gây bệnh.

Nơm nớp khi đi trên cầu thang đẹp

Khi các vật liệu ngày càng đa dạng, cơ hội tiếp xúc với công trình kiến trúc nhiều, không ít gia chủ và cả kiến trúc sư thiếu kinh nghiệm sẽ “bê” nguyên thiết kế đẹp ở nơi khác về không gian sống mà không quan tâm xem có phù hợp hay không. 

Cầu thang lan can kính đem lại cảm giác hiện đại, sang trọng, giúp ngôi nhà thanh thoát nhưng cũng có một số nhược điểm
Pinterest

Mỗi lần có khách tới chơi nhà, anh Cường (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) thường bật đèn sáng choang để khoe khéo chiếc cầu thang có lan can kính trong suốt. Phía dưới gầm, anh bố trí tiểu cảnh trồng cây trầu bà lá xẻ mà cả hai vợ chồng đều yêu thích. 

Để làm phần lan can kính cường lực, gia đình phải chi trả gấp đôi so với vật liệu kim loại – gỗ thông thường. Tuy nhiên, anh Cường cho rằng khoản tiền bỏ ra hoàn toàn xứng đáng vì thiết kế này giúp nơi ở trở nên hiện đại hơn; đồng thời đảm bảo cầu thang thanh thoát, thông thoáng. 

Tuy nhiên, chỉ ít tháng sau khi ngôi nhà hoàn thiện, Hà Nội vào mùa nồm ẩm tháng ba, gia đình bắt đầu trải nghiệm đủ bất tiện với chiếc cầu thang từng là niềm tự hào của gia chủ. Phần lan can đọng nước mờ mịt, lau bao nhiêu lâu cũng không thể sáng trong được như ban đầu. Việc vệ sinh kính cũng không hề đơn giản nên gia đình buộc phải thuê người lau dọn. Riêng quá trình làm sạch phần cầu thang của ngôi nhà 3 tầng đã tốn cả tiếng đồng hồ. 

Không chỉ vậy, việc di chuyển trên cầu thang cũng gây nhiều bất tiện cho người già, trẻ nhỏ. Hai vợ chồng anh Cường còn trẻ nên không cảm thấy phiền toái,nhưng bố mẹ ở quê ra chơi đều phải rón rén khi lên xuống. Cảm giác e ngại kính vỡ khiến người già không dám dựa vào lan can. 

Khu vực cầu thang là nơi nhiều người đi lại, tần suất cao nên cần sử dụng vật liệu bền vững
Pinterest

Theo kiến trúc sư Truyền, mỗi ngôi nhà cần bố trí một loại cầu thang phù hợp với diện tích, phong cách (hiện đại, tân cổ điển), đặc điểm (uy nghi hay tĩnh lặng), lối sống và đặc điểm của các thành viên trong gia đình. “Chiếc cầu thang ở khách sạn quá đẹp nhưng mang về nhà chúng ta lại không hợp vì chiếm chỗ rất lớn, phá vỡ không gian”, kiến trúc sư giải thích.  

Kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải bổ sung: “Cầu thang là khu vực chịu lực tác động mạnh nên vật liệu ốp cần đảm bảo độ bền vững, phổ biến nhất là đá granite. Vị trí đặt cầu thang nên ở nơi thoáng đãng”.

Lưu ý khi thiết kế cho cầu thang

Thông thường, một tầng cao khoảng 3,3 – 4m. Nếu diện tích xây dựng nhỏ, kiến trúc sư thường tư vấn gia chủ không làm nhà quá cao tránh để cầu thang dốc hoặc chiếm nhiều không gian. 

Cầu thang không nên quá dốc, cần có chiếu nghỉ giảm cảm giác mỏi chân, lan can có độ cao đảm bảo an toàn
Pinterest

Tuy nhiên, không phải ai cũng lắng nghe lời khuyên của người có chuyên môn. Kiến trúc sư Truyền tư vấn một gia chủ ở quận 3 (TP.HCM) xây nhà 32m2 chỉ nên để độ cao tầng một là 3,6m. Tuy nhiên, chủ nhà khăng khăng làm theo lời thầy phong thủy phán trần phải cao trên 4m. Để đảm bảo độ dốc, kích thước các bậc thuận lợi cho bước đi, cầu thang chiếm nhiều diện tích, khá cồng kềnh trong không gian hẹp. Để chỉnh sửa gọn gàng hơn, cầu thang lại dốc, bậc cao khiến việc di chuyển mệt mỏi, gây hại cho đầu gối. 

Kinh nghiệm đúc rút từ các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng cho thấy, chiều cao một tầng nhà khoảng 3,3 – 4m, tương đương số bậc thang rơi vào khoảng 21 và 25. Độ dốc vế thang từ 32 đến 35 độ. Chiều cao bậc thang nên từ 15 – 18cm, làm cao hơn sẽ tạo ra độ dốc lớn, đi lại mỏi chân, nguy hiểm cho người già và trẻ nhỏ. Độ sâu bậc thang nên từ 25 – 30cm tương đương bàn chân người trưởng thành. 

Chiều rộng tối thiểu của bậc thang khoảng 0,8 – 1m, gấp rưỡi bề ngang vai của người lớn giúp hai người có thể tránh nhau khi di chuyển lên xuống. Ngoài ra, sau khoảng 11 – 15 bậc thang cần có một chiếu nghỉ để người đi lấy lại sức, không chùn chân, mỏi gối. 

Phong thủy nhà ở còn cho rằng chiều cầu thang đúng là ngược chiều kim đồng hồ khi đi lên thuận chiều âm dương. Quan điểm này cũng hợp lý với thói quen di chuyển. Khi đi xuống, độ dốc cao, bạn có thể bám vào tay vịn bên tay phải sẽ vững vàng hơn. Chiều cao lan can khoảng 90 – 110cm là đủ để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, các bậc thang nên làm bằng chất liệu không trơn trượt, có đèn chiếu sáng. 

Như vậy, để xây được ngôi nhà như ý của gia chủ, những người thiết kế có kinh nghiệm thường hỏi kỹ nhu cầu công năng, phong thủy và dựa trên các nguyên tắc thiết kế như trên để đưa ra giải pháp hợp lý nhất. Theo kiến trúc sư Truyền, để tránh phiền toái về sau, các chủ nhà nên cung cấp chi tiết các thông tin về tín ngưỡng, phong thủy mà mình mong muốn. 

Ngược lại, kiến trúc sư cũng cần tiếp thu ý kiến chủ nhà vì đó là niềm tin cá nhân của họ. Dù kiến trúc sư không tin nhưng ngôi nhà là không gian an trú và sinh hoạt của các gia chủ chứ không phải của người thiết kế. Một khi biết cân bằng iết hài hòa giữa kiến trúc và phong thủy, ngôi nhà khi hoàn thiện sẽ đáp ứng trọn vẹn nhu cầu của gia chủ. 

Việt Nam đứng thứ 3 trong 10 nước có tỷ lệ hộ gia đình sở hữu nhà cao nhất thế giới (90%) nhưng không phải ai cũng có kinh nghiệm xây sửa. Nhiều người rơi vào tình trạng trớ trêu, tốn công tốn của mà vẫn không có được nơi ở như ý.

Series “81 kiếp nạn khi làm nhà” chia sẻ những tình huống dở khóc dở cười khi gia chủ mượn bản vẽ thiết kế của người khác, sửa nhà theo góp ý của hàng xóm, xây biệt thự đồ sộ nhưng con cái không chịu ở chung… Cùng với đó, những kiến trúc sư sẽ đưa ra cách khắc phục cho từng cú vấp.

Kiếp nạn 1: Nhà vừa xây đã phải ‘vá’

Kiếp nạn 2: Mượn bản vẽ xây nhà – Tưởng tiết kiệm hóa vứt tiền ra đường

Kiếp nạn 3: Chi hàng chục triệu đồng sắm nội thất, cả năm dùng đôi lần

Kiếp nạn 4: Xây nhà theo ý hàng xóm

Bài viết có hữu ích với bạn không?
(0)
Để không bỏ lỡ các nội dung đáng đọc nhất trong tuần, Living Connection có thể gửi thư cho bạn qua:

    Bạn đang ở đâu trên hành trình
    sở hữu ngôi nhà mơ ước?
    • Trước mua
    • Đang mua
    • Sau mua

    Tham gia

    Hoặc


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay

    Đăng ký thành viên

    Đặt lại mật khẩu của bạn

    Nhập địa chỉ email của bạn và chúng tôi sẽ gửi hướng dẫn để đặt lại mật khẩu.